Hướng dẫn phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

08:54:55 02/07/2021 Lượt xem 1191 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       I. Đặc điểm chung của bệnh dịch tả lợn Châu Phi

       1. Đặc điểm chung

       Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra ở lợn mọi lứa tuổi (lợn nái, lợn đực, lợn thịt, lợn con theo mẹ), kể cả lợn rừng; vi rút không lây nhiễm và gây bệnh cho người. Bệnh DTLCP lây lan nhanh ở phạm vi rộng, có thể gây chết 100% lợn mắc bệnh. Lợn khỏi bệnh mang vi rút trong thời gian dài và có khả năng là vật chủ mang trùng suốt đời; do vậy khó có thể loại trừ được bệnh khi để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu; do đó giải pháp phòng bệnh quan trọng nhất là thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng bệnh.

       2. Đặc điểm của vi rút

      Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể sống vài tháng trong phân, xác lợn chết, trong các sản phẩm thịt lợn (thịt đông lạnh, thịt hun khói, thịt chưa nấu chín). Nhiệt độ càng lạnh vi rút tồn tại càng lâu, đặc biệt trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao vi rút có thể tồn tại trong 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc 60°C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần, trong máu khô 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4°C được 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ. Vi rút có thể bị phá hủy ở pH< 3,9 hoặc pH>11,5.
       Hóa chất diệt vi rút Dịch tả lợn Châu Phi gồm: ether, chloroform và hợp chất Iodine hoặc Sodium hydroxide tỉ lệ 8/1.000, formalin tỉ lệ 3/1.000, chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3%, hoặc chất ortho-phenylphenol 3% trong 30 phút.

       3. Nguồn bệnh và đường truyền lây

       a. Loài mắc bệnh: Lợn mọi lứa tuổi

     b. Nguồn bệnh: Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan (gan, thận, lách, phổi, hạch bạch huyết, hạch amidan), dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính, có thể mang vi rút suốt đời.

       c. Đường truyền lây

      - Lây trực tiếp qua tiếp xúc giữa lợn mắc bệnh và lợn khỏe mạnh, khi lợn khỏe mạnh tiếp xúc với máu, phân, chất bài tiết của lợn bệnh.

    - Lây gián tiếp qua các chất bài tiết, thức ăn, nước uống, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, bao bì đựng cám, đồ dùng, quần áo của người chăn nuôi, nguồn nước ... có mang vi rút. Lợn khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh khi ăn thức ăn thừa từ nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp... chưa được xử lý nhiệt, nấu chín.

       Bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng chủ yếu do không phát hiện bệnh kịp thời; do tình trạng bán chạy, giết mổ, vận chuyển lợn hoặc sản phẩm lợn mắc bệnh, lợn chết vì bệnh DTLCP; người tham gia xử lý lợn bệnh chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, chưa tiêu diệt được mầm bệnh bám vào quần áo, ủng, giây...

        4. Triệu chứng lâm sàng

      Lợn mắc bệnh DTLCP biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển và còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh; do đó rất khó chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi thông qua các triệu chứng lâm sàng; để chẩn đoán chính xác bệnh, cần phải lấy mẫu gửi các cơ quan chẩn đoán thú y có thẩm quyền xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh DTLCP.

       a.Thể quá cấp tính: do vi rút có độc lực cao, lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.

      b.Thể cấp tính: lợn sốt cao 40,5°c - 42°C. Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu; lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống lên nhau, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ; đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, đa phần dưới ngực và bụng có thể có màu sẫm xanh tím.

      Trong 1 - 2 ngày trước khi chết, lợn bệnh có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng động viên kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu; lợn chết trong vòng 6 – 13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể sảy thai ở mọi giai đoạn; tỷ lệ chết đến 100%.

       Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút ở thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang mầm bệnh suốt đời.

      c. Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình; Lợn bệnh biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng: sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở và ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5 - 30 ngày, trường hợp máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) lợn chết nhanh; lợn mang thai sẽ sảy thai; lợn chết trong vòng 15 - 45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30 - 70%; lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mạn tính.

       d.Thể mạn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp: Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mạn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển; tỷ lệ chết thấp.

       5. Bệnh tích đại thể

     - Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều tại các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận; thận có xuất huyết điểm, lá lách to nhồi huyết; da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Xoang bao tim, xoang ngực, xoang bụng tích nhiều nước, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong cơ thể; hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật bị phù nề, túi mật sưng.

      - Thể mãn tính: Có thể gặp xơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử ở hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.

     6. Chẩn đoán bệnh

      a. Chẩn đoán phân biệt

    Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích rất khó chẩn đoán phân biệt giữa bệnh DTLCP và bệnh Dịch tả lợn cổ điển; vì vậy trong mọi trường hợp phải lấy mẫu gửi các cơ quan chẩn đoán thú y có thẩm quyền xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh DTLCP.

      Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh DTLCP gồm: Bệnh Tai xanh – PRRS (đặc biệt thể cấp tính), bệnh Đóng dấu lợn, Phó thương hàn, Tụ Huyết trùng, Liên cầu khuẩn do Steptococcus suis, bệnh Glasser, bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra, Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2, bệnh Giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.

       b. Chẩn đoán phòng thí nghiệm

     - Loại mẫu: Mẫu bệnh phẩm (máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu, lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan, có thể thu mẫu tủy xương và dịch khớp lợn chết lâu ngày). Mâu môi trường (phân, thức ăn, nước thải ...).

     - Mẫu bệnh phẩm phải được lấy, bao gói và bảo quản theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 - 83: 2011/BNNPTNT, cụ thể:

    + Mẫu phủ tạng: lấy 05 gram - 10 gram mỗi loại phủ tạng (lách, hạch lâm ba, hạch amidan, não, thận, phổi); mỗi loại phủ tạng để riêng từng lọ, hoặc túi nilon vô trùng. Kích thước mẫu: 1 x 1 x 0.5 cm.

    + Mẫu huyết thanh: Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên (huyết thanh từ động vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8 - 21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh), phát hiện kháng thể hoặc kháng thể sau tiêm phòng.

    + Mẫu được giữ trong hộp bảo quản ở điều kiện lạnh từ 20C - 8°C, ghi chép đầy đủ thông tin (trong biên bản lấy mẫu và gửi mẫu), bao gói cẩn thận để tránh lây nhiễm và vận chuyển càng sớm càng tốt về phòng thí nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận, chỉ định để xét nghiệm..

    * Phương pháp xét nghiệm: Thực hiện quy trình chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định.

     II. PHÒNG, CHỐNG BỆNH

     1. Phòng bệnh: Thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

     1.1. Thông tin tuyên truyền

    Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm và biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn tới từng hộ chăn nuôi và cộng đồng, bao gồm:

    - Khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương theo quy định.

   - Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên chăm sóc nuôi dưỡng tốt vật nuôi, vệ sinh chuồng trại (che ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè), định kỳ ít nhất 1 lần/tuần thực hiện khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng thông thường như: nước vôi 20%, vôi bột, Formol, Chlorine, Iodine,...;

   - Con giống nhập về nuôi phải đảm bảo rõ nguồn gốc, từ những cơ sở đã tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn còn thời gian miễn dịch và được nuôi cách ly ít nhất 21 ngày trước khi nhập đàn.

    - Vận động người chăn nuôi trong từng thôn ký cam kết thực hiện "5 không":

    + Không giấu dịch;

    + Không mua lợn mắc bệnh, sản phẩm lợn mắc bệnh;

    + Không bán chạy lợn mắc bệnh;

    + Không nuôi lợn thả rông, không vận chuyển lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn ra khỏi vùng dịch;

    + Không vứt xác lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn ra nơi công cộng.

    Hướng cho người dân từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

     1.2. Giám sát, phát hiện bệnh

    - Chủ cơ sở nuôi lợn, cán bộ thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc phải báo ngay cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xác minh, lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DTLCP và áp dụng biện pháp xử lý lợn bệnh theo quy định.

   - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận phối hợp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ thú y xã, trưởng thôn, các đoàn thể quần chúng tăng cường công tác giám sát tới từng thôn, xóm nhằm chủ động phát hiện sớm dịch bệnh trên đàn lợn, có các biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng; đặc biệt tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, vùng chăn nuôi tập trung, vùng giáp ranh với các tỉnh đang có dịch.

    - Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, chủ hộ thực hiện nghiêm các quy định về sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; khi phát hiện lợn có những biểu hiện bất thường của bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương.

   - Giám sát lưu hành vi rút: Lấy mẫu máu, huyết thanh của lợn đang sốt cao hoặc thận, lách, hạch amidan, van hồi manh tràng của lợn mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh gửi xét nghiệm, trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật địa phương tổ chức xử lý như đối với ổ dịch.

    1.3. Các giải pháp kiểm soát bệnh DTLCP

   a. Yêu cầu về chuồng trại và thiết bị chăn nuôi

  Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra - vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh hoặc các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, ruồi, chim, muỗi...).

   Bố trí hố khử trùng (luôn có hóa chất hoặc vôi bột, nước vôi...) trước lối ra - vào chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi; thay bảo hộ lao động cho người ra - vào khu vực chăn nuôi;

Bố trí khu nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập đàn hoặc lợn bị bệnh;

Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng; mật độ nuôi hợp lý theo lứa tuổi lợn;

Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín; Nước thải mỗi ô chuồng có lối thoát riêng ra đường thoát nước chung.

b) Yêu cầu về con giống

Con giống nhập về nuôi phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, từ những cơ sở đã tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn, Lở mồm long móng còn thời gian miễn dịch (đối với chăn nuôi lợn trang trại phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo). Đối với lợn nhập từ tỉnh ngoài phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định và phải nuôi cách ly ít nhất 02 tuần trước khi nhập đàn.

Lợn mua về với mục đích làm con giống (lợn đực giống, lợn nái), các cơ sở chăn nuôi phải khai báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận để có kế hoạch kiểm tra, giám sát bệnh định kỳ.

c) Vệ sinh thức ăn, nước uống | Nguồn thức ăn cho lợn phải đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, thức ăn chăn nuôi phải đủ tiêu chuẩn chất lượng, hợp vệ sinh thú y; nên bổ sung chế phẩm sinh học để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho lợn.

Không sử dụng thức ăn ôi thiu, không đảm bảo chất lượng, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua chế biến nhiệt cho lợn ăn; nguồn thức ăn thừa thu gom về cần cách ly với khu vực chăn nuôi, chỉ sử dụng trong ngày và xử lý nhiệt thật kỹ trước khi sử dụng cho lợn ăn. Không sử dụng thức ăn dư thừa trong máng của đàn lợn đã xuất chuồng và thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới. Thức ăn tự chế, tận dụng phải đảm bảo vệ sinh thú y.

Nước sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

d) Chăm sóc, nuôi dưỡng

Áp dụng phương thức quản lý đàn “cùng vào - cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng.

Có quy trình chăn nuôi, mật độ nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

Thường xuyên chăm sóc, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định.

- Hạn chế tối đa người ra - vào khu chăn nuôi; người chăn nuôi, khách thăm quan, nhân viên thú y ... trước khi ra - vào khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng và thay trang phục bảo hộ.

e) Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc

- Hàng ngày vệ sinh cơ học, định kỳ sử dụng hóa chất sát trùng phun toàn bộ khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 01 lần/tuần khi không có dịch bệnh và 02 lần/tuần khi có dịch bệnh.

- Phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

- Vệ sinh máng ăn, máng uống, thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.

- Phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng theo quy định.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán và giết mổ lợn bằng vôi bột (có độ pH >12) hoặc hóa chất khử trùng được dùng trong thú y; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

- Sau mỗi lần xuất bán lợn phải tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc và để trong chuồng ít nhất 07 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi mới và đảm bảo các điều kiện tái đàn theo quy định.

g) Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp liên ngành Công an, Quản lý thị trường tổ chức thường trực 24/24 giờ tại trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ra - vào thành phố; phát hiện ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn từ các địa phương khác vào địa bàn thành phố.

- Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển; vệ sinh, sát trùng người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp lợn nghi mắc bệnh, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để đảm bảo không làm lây lan dịch bệnh.

- Khi các địa phương lân cận xảy ra dịch: căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu của công tác phòng chống dịch, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn mang mầm bệnh vào địa bàn thành phố làm lây lan dịch bệnh; bố trí lực lượng liên ngành: Thú y, Quản lý thị trường, Công an và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn vào địa bàn quản lý.

- Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý hoạt động giết mổ động vật; đặc biệt tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Lợn đưa vào giết mổ đảm bảo khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng chống dịch chính là phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ, ngăn chặn dịch lây lan; các biện pháp phòng dịch chủ yếu hiện đang áp dụng là kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học.

2. Chống dịch

Triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật Thú y năm 2015, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn DTLCP; Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020 - 2025, cụ thể:

2.1. Khai báo dịch và xử lý ổ dịch

a) Các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có các dấu hiệu của bệnh như: sốt cao, lười vận động, ủ rũ; một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, tím tại... phải thực hiện:

- Báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương - Nhốt riêng lợn nghi mắc bệnh ra khu vực cách ly; - Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi;

- Không bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi khu vực chăn nuôi khi chưa có kết luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

b) Nhân viên thú y xã, phường, thị trấn sau khi nhận được thông báo, phải đến kiểm tra, xác minh và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp cách ly lợn bệnh, vệ sinh tiêu độc, chăm sóc đàn lợn. Đồng thời báo ngay cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để có biện pháp xử lý kịp thời.

c) Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận khi nhận được thông báo, phải đến kiểm tra, xác minh; báo cáo ngay về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố và Ủy ban nhân dân huyện, quận để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp xử lý lợn bệnh theo quy định.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, quận chỉ đạo các phòng ban chức năng, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Tiến hành khoanh vùng ổ dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; thành lập đội xung kích chống dịch, gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, y tế, công an ...có nhiệm vụ thu gom và tiêu huỷ xác lợn bệnh, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, trực tại các chốt kiểm dịch và các nhiệm vụ khác do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phân công.

- Cấm vận chuyển lợn ốm, sản phẩm lợn chưa qua chế biến, phân rác thải chăn nuôi ... ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp trong thời gian có dịch.

- Đặt biển báo nơi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế người không liên quan ra, vào vùng dịch; tiêu độc, khử trùng mọi phương tiện, người ra khỏi vùng có dịch.

- Tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, giám sát nhằm phát hiện các trường hợp lợn bị bệnh; lập danh sách thống kê, giám sát các hộ, cơ sở nuôi lợn mẫn cảm và các hộ có lợn bị bệnh.

- Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng dịch, nơi có lợn ốm, nơi giết mổ để tránh làm phát tán, lây lan mầm bệnh.

- Không nhận nuôi mới lớn trong thời gian có dịch.

2.2. Tiêu hủy lợn mắc bệnh

- Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, chết có kết quả dương tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc cơ sở chưa có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả âm tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phép vận chuyển, giết mổ theo quy định.

- Kỹ thuật tiêu hủy lợn mắc bệnh thực hiện theo Hướng dẫn số 22/HDSNN ngày 17/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tiêu hủy, giết mổ bắt buộc đối với động vật mắc bệnh.

2.3. Khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh khử trùng tiêu độc

- Tại ổ dịch (xã, phường có dịch) và vùng bị dịch uy hiếp (các xã, phường tiếp giáp với ổ dịch): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo.

- Vùng đệm (các xã, phường tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.

2.4. Vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn

- Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện.

- Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ thuộc địa bàn thành phố.

- Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh Dịch tả lợn Châu Phi), lợn không có triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong vòng 21 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh. Trường hợp vận chuyển ra khỏi địa bàn thành phố phải đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong thành phố và phải được thực hiện kiểm dịch theo quy định pháp luật thú y.

- Việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn được thực hiện theo quy định pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.5. Quản lý cơ sở giết mổ trong vùng dịch

- Chỉ cho phép giết mổ lợn tiêu thụ trong vùng dịch đối với các cơ sở giết mổ đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Mục II (Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn), Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2020 - 2025.

Nguồn lợn đưa vào giết mổ phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 7 Mục II (Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn), Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố; mục 1, 3 phần II Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Kiên quyết định chỉ các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ hoạt động trái phép, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm,an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định.

2.6. Giám sát dịch

- Tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn nuôi tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, vùng giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý lợn mắc bệnh, hạn chế dịch lây lan rộng.

- Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng hàng ngày, thực hiện cách ly đàn lợn, giảm thiểu nguy cơ lợn bị phơi nhiễm với mầm bệnh đang lưu hành bên ngoài môi trường. .

2.7. Báo cáo tình hình dịch

Thực hiện việc báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân | thành phố.

2.8. Công bố dịch

a) Thẩm quyền công bố dịch

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ đề nghị của Trạm Chăn nuôi và Thú y, quyết định công bố Dịch tả lợn Châu Phi khi dịch xảy ra trong phạm vi huyện.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ đề nghị của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công bố dịch khi dịch khi dịch xảy ra từ hai huyện trở lên.

b) Điều kiện công bố dịch

Có ổ dịch lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đã có kết luận chẩn đoán xác định lợn mắc bệnh của phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận, chỉ định; dịch đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng.

c) Nội dung công bố dịch

Đảm bảo thể hiện được các nội dung sau:

- Tên dịch bệnh: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Thời gian xảy ra dịch.

- Xác định các xã, thị trấn thuộc vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, vùng giám sát.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với các vùng nêu trên.

2.9. Công bố hết dịch

Người có thẩm quyền công bố dịch nêu trên có thẩm quyền công bố hết dịch khi có đủ các điều kiện sau:

- Sau 21 ngày kể từ khi tiêu hủy con lợn bệnh cuối cùng, không phát hiện trường hợp lợn mắc bệnh, chết do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Triển khai thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc ổ dịch, vùng dịch, vùng dịch bị uy hiếp, vùng giám sát đúng quy trình theo quy định.

- Có văn bản đề nghị công bố hết Dịch tả lợn Châu Phi của Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện/Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cơ quan thú y cấp trên thẩm định, công nhận.

2.10. Điều kiện chăn nuôi trở lại

Thực hiện theo Công văn số 2239/SNN-CN ngày 02/10/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn khai báo tái đàn và kê khai hoạt động chăn nuôi.

a) Nguyên tắc nuôi tái đàn lợn

- Chỉ nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh DTLCP; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; được Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận đủ điều kiện nuôi tái đàn theo quy định.

- Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTLCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc được Ủy ban nhân dân huyện, quận xác nhận đủ điều kiện nuôi tái đàn theo quy định.

b) Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn lợn

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải kê khai với chính quyền xã, phường trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP.

- Định kỳ lấy mẫu môi trường, nước, chất thải,... xét nghiệm khẳng định không có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.

c) Các bước nuôi tái đàn lợn

- Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày.

- Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (chủ cơ sở có thể tự lấy mẫu dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc nhân viên thú y thực hiện việc lấy mẫu). Trường hợp nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho Ủy ban nhân dân xã, phường, Trạm Chăn nuôi và Thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, trường hợp lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở…

d) Ủy ban nhân dân xã, phường, huyện, quận và Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp vướng mắc, các địa phương và người chăn nuôi phản ánh kịp thời về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp giải quyết.

Nguyễn Thị Huyền - Phòng Đào tạo và TTTT

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 733
  • Hôm qua: 7342
  • Tuần này: 26109
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 292152
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2696989
0225.3541.398 
messenger icon