Mô hình chăn nuôi nông hộ mang lại thu nhập cao

10:08:05 16/06/2021 Lượt xem 1136 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

     “Dẫu không tỷ phú cũng là triệu phú” là lời chia sẻ từ một hộ dân thôn Thọ Linh, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy về anh Vũ Văn Vững sinh năm 1992 - chàng trai trẻ nuôi chim bồ câu Pháp thu nhập gần hai chục triệu một tháng.

Trại chim bồ câu nhà anh Vũ Văn Vững

      Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ đều làm nông nghiệp một năm 2 vụ lúa, cuộc sống khó khăn cơ cực. Năm 2012, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Vững lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hết nghĩa vụ, anh trở lại quê nhà đi theo anh chị em cùng trang lứa đầu quân cho công ty giầy da. 5 năm là công nhân giầy da, mức lương trung bình 4 -5 triệu đồng/ tháng, ngày làm từ 10 - 12 tiếng đồng hồ. Thời gian gò bó, công việc luôn tay chân, mức lương không đủ trang trải cho 1 gia đình 4 người, chưa kể tới việc công ty nhiều khi không đủ việc làm cho công nhân, 1 năm có mấy tháng thu nhập bấp bênh.

      “Là thanh niên, sức dài vai rộng mà không đủ khả năng lo cho bố mẹ, anh em có cuộc sống đầy đủ là lỗi của tôi” anh Vững trải lòng.

      Cuộc sống của anh có bước ngoặt mới khi trong thời gian làm giầy da anh tăng gia thêm 10 đôi chim bồ câu Pháp, lúc đó anh chỉ nghĩ nuôi chơi và có thêm thực phẩm bổ dưỡng cho bố mẹ. Là thú vui nhưng hàng ngày anh cần mẫn chăm sóc, tìm tòi, học hỏi tìm hiểu các đặc điểm, kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Cùng với đó, sau 5 tháng chim bắt đầu sinh sản đủ 10 cặp chim non. Quá vui mừng, anh nhận thấy chim bồ câu Pháp là loài sinh trưởng nhanh, mỗi năm đẻ 8 - 10 lứa, bồ câu cái Pháp đẻ liên tục trong năm, vừa ấp nở vừa đẻ trứng, một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm, vừa dễ nuôi, lại ít khi bệnh tật, cùng với đó là chim nuôi nhốt, chỉ cần diện tích nhỏ cũng có thể phát triển số lượng đàn lớn.

      Được sự tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ trạm Khuyến nông Kiến Thụy, anh quyết định nghỉ làm công nhân, mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm hàng trăm cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Sau 4 năm, số lượng đàn chim nhà anh luôn duy trì ở mức 500 cặp bố mẹ. Dù số lượng đàn lớn, nhưng diện tích đất làm trại nuôi của anh chỉ khoảng hơn 100 m2, các chuồng nuôi nhốt đều được xếp 3 tầng, xếp thành những hàng dài. Nước uống cho chim cũng được "tự động hóa", mỗi ngày chỉ cần cho chim ăn 2 lần; 1 tháng vệ sinh chuồng trại 1 lần. Cùng với đó là công tác tiêu độc, khử trùng, khử mùi hôi…

       Theo anh Vững tính toán: “Mỗi ngày 1 cặp chim bồ câu tiêu tốn khoảng 1.300 đồng tiền thức ăn. Một tháng như vậy là 45.000 đồng/cặp. Hiện mỗi cặp chim ra ràng bán ra là 110.000 đồng/cặp, trừ hết mọi chi phí mỗi tháng lợi nhuận mang lại khoảng 35.000 đồng đến 45.000 đồng/cặp. Với trại 500 cặp chim bố mẹ, lợi nhuận mỗi tháng khoảng gần 15 - 17 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”.

     Hiện nay, ngoài trại chim bồ câu Pháp của gia đình anh Vũ Văn Vũng, trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng đã có hàng chục trại nuôi bồ câu Pháp lớn nhỏ khác với số lượng từ vài chục cặp đến hàng ngàn cặp. Tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương.

     Một thương lái thu mua chim bồ câu cho biết: “Đầu ra của chim bồ câu Pháp ổn định, mỗi lần nhập thì xuống tận nơi bắt. Đầu ra đưa vào nhà hàng, quán ăn, chợ, sỉ, các điểm quán, tiệc cưới…nhiều khi không có đủ để cung cấp”.

Lãnh đạo xã và cán bộ Khuyến nông đánh giá mô hình sản xuất nông hộ

     Đánh giá về mô hình nuôi bồ câu Pháp của gia đình anh Vững, Ông Vũ Văn Dai - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Nông nghiệp xã Minh Tân chia sẻ: “ Mô hình này rất hiệu quả, kinh tế cao hơn so với các mô hình khác ở địa phương, nhất là từ năm 2018 ảnh hưởng dịch bệnh tả Châu Phi trên đàn lợn, dịch cúm gia cầm, thủy cầm, dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp. Thời gian tới Ban Nông nghiệp xã sẽ kết hợp cùng với một số ban ngành huyện như Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông đăng ký sản phẩm Ocop cho chim bồ câu, nhằm đưa sản phẩm chim bồ câu Pháp xã Minh Tân thành sản phẩm có thương hiệu, có giá trị đến tay người tiêu dùng… ”

      Ngoài sản phẩm bán chim con (chim ra ràng), trại chim của anh Vững còn xuất bán các sản phẩm như chim bố mẹ, chim giống và chim hết tuổi sinh sản. Đầu ra của các sản phẩm hiện tại của trại cũng rất đa dạng.

      Với thu nhập "đáng nể" trên một diện tích không lớn, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp có thể là một sự lựa chọn phù hợp đối với người dân có ít đất sản xuất, chăn nuôi trong thời gian tới.

Ks.Nguyễn Thị Thúy – Trạm Khuyến nông Kiến Thụy

hoạt động khuyến nông Khác:

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2471
  • Hôm qua: 4834
  • Tuần này: 27154
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 229419
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2797480
0225.3541.398 
messenger icon