Nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng

08:20:58 29/04/2021 Lượt xem 1817 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động, trong đó sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động đó theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Hiện nay, chuỗi giá trị hình thành theo sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến thương mại, không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia. Trong trường hợp sản phẩm được tạo ra bởi sự liên kết của nhiều Doanh nghiệp thì chuỗi giá trị sẽ được gói lại trong một khái niệm rộng hơn “Giá trị hệ thống”.

            Như vậy, về tổng thể có thể chia Chuỗi giá trị của nuôi trồng thủy sản thành 3 công đoạn như sau: Sản xuất; thu mua, sơ chế/chế biến, bảo quản và cuối cùng là thương mại/tiêu thụ. Trong đó, lợi nhuận thu được ở công đoạn sản xuất là thấp nhất và khâu tiêu thụ là cao nhất. Đây chính là nguyên nhân mà rất ít nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất mà chỉ tập trung cho thu mua và thương mại. Những nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Việt Nam phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất mà chưa có số liệu về giá trị hình thành ở các công đoạn khác như chế biến, thương mại. Người nông dân nói chung và ngư dân nói riêng được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị.

             Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng 42.000 ha (nước ngọt 10.200 ha chiếm khoảng 24%; nước lợ 14.400 ha chiếm 36%; nuôi hải sản nước mặn khoảng 17.400 ha, chiếm 40%). Hệ thống sông ngòi của Hải Phòng có mật độ khá cao được hình thành bởi các hệ thống sông chính là sông Bạch Đằng, sông Đá Bạc, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, cửa sông Thái Bình… đặc điểm của các sông khá phức tạp, dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn, thường tạo thành những bãi bồi, đầm nước hoặc vùng trũng ven sông thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh ở cả ba vùng nước ngọt, lợ, mặn; giá trị sản lượng tăng đều hàng năm với các đối tượng nuôi có hiệu quả cao như: tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá biển,... Từ năm 2015 tới nay, nhiều địa phương đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu và phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, từng bước đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành một ngành sản xuất quy mô hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố.

            Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thành phố Hải Phòng năm 2015 là 11.468,8 ha, đến năm 2019 đạt 12.396,8 ha (tăng bình quân trong giai đoạn 2015 - 2019 là 1,48%/năm).

            Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2015 - 2019 không ngừng tăng lên, năm 2015 tổng sản lượng là 53.848,9 tấn, năm 2019 tổng sản lượng đạt 69.109,3 tấn (tăng bình quân trong giai đoạn 2015 - 2019 là 4,42%/năm).

            Giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 2.448 tỷ đồng, năm 2015 là 1.893,24 tỷ đồng (giá cố định năm 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 là 4,53%/năm.

          Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị của sản phẩm. Cụ thể:

            - Cơ sở hạ tầng (hệ thống thủy lợi, giao thông, điện sản xuất) các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã xuống cấp xong chậm được quan tâm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện; các khu vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã được quy hoạch bị phá vỡ bởi nhu cầu các ngành kinh tế khác; đất nuôi trồng thủy sản nhiều nơi còn chưa giao, thuê được lâu dài… nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi thâm canh công nghiệp. Nuôi trồng thủy sản đa số vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh, diện tích nuôi thâm canh chỉ chiếm 20% tổng diện tích nuôi, chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết sản xuất lớn. Với quy mô hộ gia đình chiếm tỉ trọng lớn, nguồn lực kinh tế hạn chế nên việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao để đưa nuôi trồng thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế.

           - Các cơ sở sản xuất, cung ứng giống thủy sản trình độ công nghệ sản xuất giống chưa đồng đều (trại giống đa số quy mô nhỏ, thiếu cán bộ kỹ thuật, nằm phân tán khó quản lý; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao); giống cá biển mới chỉ sản xuất thành công ở quy mô nhỏ; giống tôm thẻ chân trắng (đối tượng chủ lực) chưa chủ động sản xuất, vẫn phải nhập từ các tỉnh miền Trung, bị động về mùa vụ, chất lượng con giống và nguồn cung không ổn định.

           - Nguồn nước thường bị ảnh hưởng bởi nước thải do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt, diện tích nuôi nhỏ hẹp khó đáp ứng theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi tôm nước lợ - điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Chưa xử lý triệt để chất lượng nguồn nước đầu vào.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại công ty TNHH Nông nghiệp Sơn Trường,

xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng

         - Chi phí sản xuất còn cao, công nghệ hóa thấp, tỷ lệ đáp ứng các vấn đề chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội... còn hạn chế. Tập quán canh tác manh mún, tự do, quá đề cao kinh nghiệm truyền thống, không tuân thủ khung mùa vụ cũng như các biện pháp kỹ thuật khuyến cáo của cơ quan chức năng còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người nuôi trồng thủy sản.

            - Thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lụt, thiên tai, ô nhiễm môi trường, nhiều dịch bệnh mới phát sinh chưa có phác đồ điều trị… trực tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

            - Ngân sách thành phố bố trí thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, chưa tập trung.

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng

             Chính vì vậy Nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng chưa phát huy hết giá trị, xứng đáng với tiềm năng, vị thế của ngành. Để nâng cao chất lượng, giá trị trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

          - Các đơn vị chuyên môn trong và ngoài ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp trong công tác quản lý việc kinh doanh các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nuôi thủy sản: Kiểm tra giám sát chặt chẽ đàn giống thủy sản bố mẹ cho sinh sản nhân tạo để chủ động sản xuất giống đảm bảo chất lượng, số lượng và mùa vụ; tăng cường công tác quản lý chât lượng giống thủy sản; tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thông tin rộng rãi chất lượng các sản phẩm đến cộng đồng.

            Kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản thương phẩm, góp phần đảm bảo uy tín ngành thủy sản Hải Phòng nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung.

              Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất, dịch bệnh để có các giải pháp chỉ đạo xử lý, thực hiện hoạt động quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản để kịp thời đưa ra dự báo, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh giúp người nuôi có biện pháp chủ động ứng phó; chỉ đạo nuôi trồng thủy sản đúng mùa vụ, quy trình kỹ thuật

           Thông tin, tuyên truyền tới các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuỗi giá trị. Việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được thúc đẩy một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cả về mặt môi trường và xã hội. Nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu con giống đến quy trình, kỹ thuật nuôi và công nghệ chế biến. Các đơn vị trong chuỗi cung ứng nuôi trồng phải liên kết lại, ứng dụng công nghệ vào ươm giống, cải thiện chất lượng nuôi và tối ưu hóa dây chuyền chế biến.

              Phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, nuôi trồng áp dụng theo các quy trình sản xuất tốt; hình thành các vùng nuôi tập trung các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế; áp dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích; phát triển mạnh mẽ các mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối, giảm thiểu đầu mối trung gian; thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành hệ thống kênh phân phối sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

           - Các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, duy trì tốt thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm; ưu tiên các thị trường trọng điểm như thành phố Hà Nội… quan tâm tới thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hàn Quốc… với các tỉnh thành ngoài

            - Thành phố quan tâm, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, thủy lợi) của các cơ sở sản xuất giống và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, gắn với các đối tượng thủy sản chủ lực; đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất, chọn tạo và quản lý giống, đảm bảo 100% nhu cầu giống nuôi sạch bệnh.

           - Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, mặt nước; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo hướng ứng dung công nghệ cao tại các khu, vùng đã được quy hoạch theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 về việc thông qua quy hoạch Khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng./.

Ks. Đỗ Đức Thịnh - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản

 

 

 

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6710
  • Hôm qua: 4613
  • Tuần này: 29296
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 238271
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2806332
0225.3541.398 
messenger icon