Tăng cường các biện pháp chăm sóc cá nuôi trong giai đoạn chuyển mùa

15:09:02 14/05/2021 Lượt xem 769 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển giao giữa mùa Xuân và mùa Hè. Đối với nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nghề nuôi cá nước ngọt nói riêng thì đây là một trong những giai đoạn rất quan trọng - là giai đoạn thích hợp để một số mầm bệnh gây bệnh trên cá nuôi phát triển như: Bệnh xuất huyết do vi rút ở cá trắm cỏ, bệnh viêm ruột, bệnh xuất huyết do vi khuẩn ở cá rô phi, bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ … Mặt khác với đặc điểm thời tiết: âm u, nắng, mưa rào xen kẽ, nhiệt độ không khí biến đổi thất thường làm cho cá nuôi có hiện tượng “sốc môi trường”, suy yếu, bỏ ăn, dễ nhiễm bệnh. Để giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế khả năng dịch bệnh xảy ra vào giai đoạn này người nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

         Quản lí môi trường nước ao

         Định kì 2 tuần/lần, sau mỗi lần thay nước hoặc sau những cơn mưa lớn người nuôi phải xử lý nước ao bằng vôi bột với liều lượng 1-2 kg/100 m3.

        Luôn theo dõi và đảm bảo các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi (Nhiệt độ, PH, oxy hòa tan…); xác định chính xác khẩu phần ăn trong ngày (nếu là thức ăn như cám ngô, cám gạo nấu chín thì nên bỏ vào sàng ăn để dễ quản lí), sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý đáy, xử lý nước (Cách sử dụng và liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để phân hủy chất hữu cơ trong ao, ổn định tảo và màu nước.

       Khi có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy, cần tăng cường bổ sung oxy bằng quạt nước, máy đánh sóng, giảm lượng thức ăn từ 40 - 50% so với lượng thức ăn hàng ngày, thay một phần hoặc cấp thêm nước mới vào ao. Ngoài ra, có thể dùng viên oxy để tăng hàm lượng oxy khi cần thiết.

        Đối với những ao nuôi  bị ô nhiễm, tảo phát triển mạnh thì người nuôi cần thay nước, sử dụng vicato dạng viên sủi (Liều lượng 0,5 - 0,8 gam/m3) hoặc BKC 80% (Liều lượng 1 lít/ 2000 - 3000 m3 nước) để ổn định tảo và diệt khuẩn, sau đó sử dụng men vi sinh xử lý đáy và nước giúp ổn định môi trường ao nuôi.

          Chăm sóc cá nuôi

        Thường xuyên quan sát tình trạng cá bơi trong ao để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của cá.

         Tăng cường cho cá ăn thức ăn giàu đạm, bổ sung vitamin C (Liều lượng 3 - 5 gam/kg thức ăn), vi sinh đường ruột, bổ gan thận vào thức ăn cho cá nuôi giúp cá tăng cường sức đề kháng.

         Định kì 2 lần/tháng, sử dụng tỏi tươi xay nhuyễn hoặc tỏi ủ men trộn với thức ăn để phòng các bệnh do vi khuẩn cho cá nuôi (Lượng tỏi tươi 50 gram/100kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục từ 3 - 5 ngày).

        Khi phát hiện cá nuôi có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi, người nuôi cần báo ngay cho cán bộ khuyến nông phụ trách xã để được hướng dẫn và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc cá chết ra ngoài môi trường, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cá nuôi.

      Việc sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, thuốc, hóa chất, người nuôi cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Mặt khác, không sử dụng các loại chế phẩm sinh học, hóa chất kém chất lượng, quá hạn sử dụng và các loại kháng sinh, hóa chất đã cấm sử dụng.

Phạm Thị Lành - Trạm KN Vĩnh Bảo

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1332
  • Hôm qua: 5231
  • Tuần này: 17557
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 256267
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2824328
0225.3541.398 
messenger icon