Tiên Lãng: Đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và chăm sóc sớm cho lúa mùa nhằm tránh ảnh hưởng của thời tiết bất thuận

15:04:38 16/07/2021 Lượt xem 680 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Đến ngày 14/7/2021, tổng diện tích gieo cấy lúa mùa trên toàn huyện được 4.060 ha đạt 58% tổng diện tích gieo cấy. Hiện tại các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để đảm bảo gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước 20/7/2021, để lúa trỗ tập trung từ từ 5-15/9 hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh cuối vụ, thời tiết bất thuận và giải phóng đất sớm trồng cây vụ Đông.

Nông dân Tiên Lãng đang khẩn trương gieo cấy vụ mùa

       Để lúa sinh trưởng phát triển tốt sau khi cấy xong Trạm khuyến nông Tiên Lãng hướng dẫn bà con cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

       1. Điều tiết nước, dặm tỉa và phòng trừ cỏ dại:

       - Sau khi cấy xong, thường xuyên giữ mức nước đệm từ 3-5cm trên mặt ruộng để lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh.

       - Tiến hành dặm tỉa sớm những chỗ mất khóm để đảm bảo mật độ.

       - Kết hợp bón phân, làm cỏ sục bùn cho tan đều phân bón.

     - Bà con không nên phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc trước khi cấy sẽ gây nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường.

       2. Sử dụng phân bón cho cây lúa vụ Mùa:

      Bón phân theo nguyên tắc: “Bón sớm, tập trung, cân đối”, sử dụng NPK của các hãng Đầu Trâu L1, Việt Nhật, Phú Mỹ giành cho chuyên lót, chuyên thúc cho lúa.

       - Bón lót trước khi cấy với NPK chuyên lót từ 7-8kg/sào;

       - Bón thúc đẻ nhánh sau cấy 3-5 ngày (lúa bén rễ hồi xanh) từ 5-7kg NPK /sào.

       - Bón thúc đòng từ 3 - 4 kg NPK/sào hoặc 3-4kg kaly.

       - Những diện tích chưa bón lót thì khẩn trương bón bổ sung ngay sau khi cấy.

       - Hạn chế sử dụng đạm đơn trong chăm bón lúa mùa.

       3. Phòng trừ sinh vật gây hại đầu vụ

      - Ốc hại: Tiến hành thu gom ốc và ổ trứng bằng phương pháp thủ công. Chỉ sử dụng thuốc diệt ốc khi mật độ ốc từ 3 con/m2 trở lên. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Thần diệt ốc; Starpumper 800 WP (Bơm thần), Mossade 700WP để rắc hoặc phun cho ruộng lúa.

        Cần rút nước, duy trì mực nước từ 2- 3 cm để thuốc phân tán đều.

        Phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát là lúc ốc hoạt động mạnh nhất nhằm tăng hiệu quả phòng trừ của thuốc.

Thu gom ốc bươu vàng bằng phương pháp thủ công tại Tiên Lãng

        - Chuột hại: Vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, hạn chế nơi cư trú của chuột, tập trung lực lượng đánh bắt thủ công đồng bộ, sử dụng cạm bẫy để diệt chuột kết hợp với dùng thuốc diệt chuột trong danh mục cho phép sử dụng như Rat K 2%D, Antimice 0.006GB (Vua mèo). Tuyệt đối không dùng điện để đánh bắt diệt chuột.

      - Bệnh vàng lá, nghẹt rễ sinh lý: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy lúa đẻ nhánh kém, màu xanh tối ở những phần ruộng trũng, hẩu, ruộng mất nước,... Nhổ khóm lúa lên thấy rễ thâm đen bó lại, có mùi tanh thối đó là biểu hiện của bệnh vàng lá nghẹt rễ sinh lý do ngộ độc hữu cơ.

        Biện pháp khắc phục: dùng vôi bột với lượng 15 - 20kg/sào hoặc 4-5 gói Penac P/sào, kết hợp với tháo nước phơi ruộng 2 - 3 ngày rồi tiến hành đưa nước trở lại. Tuyệt đối không bón thêm đạm, chỉ khi nào có lá mới màu nõn chuối xuất hiện mới được chăm bón trở lại.

        Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác như : trĩ, giòi đục nõn trên các diện tích cấy mạ non, rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Chỉ phun trừ khi có thông báo của cơ quan chuyên môn.

Ks.Vũ Chung Thùy - Trạm Khuyến nông Tiên Lãng

Bài viết liên quan:

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1850
  • Hôm qua: 4834
  • Tuần này: 26533
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 228798
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2796859
0225.3541.398 
messenger icon