Tái đàn lợn thành công nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

15:32:06 13/06/2022 Lượt xem 573 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên phạm vi cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng, đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, khiến nhiều trang trại lớn, nhỏ và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải tiêu hủy đàn, bỏ trống chuồng. Đến nay, vẫn chưa có Vắc xin đặc hiệu để phòng Dịch tả lợn Châu Phi nên việc tái đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn. Các trang trại nhỏ, hộ chăn nuôi không đủ điều kiện đã không thể tái đàn hoặc tái đàn không thành công. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại gia đình anh Lê Văn Hùng, thôn An Thạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là một mô hình điển hình đã tái đàn thành công và thu được hiệu quả kinh tế cao.

         Cũng như hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện Tiên Lãng, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, trang trại lợn của hộ anh Lê Văn Hùng bị tiêu hủy trên 1 tấn lợn trong đó thiệt hại lớn là số lượng lợn nái ngoại đang thời kỳ sinh sản tốt nhất của gia đình. Phải mất một thời gian khá dài, gia đình anh xoay sở tìm biện pháp chăn nuôi an toàn để khôi phục lại đàn lợn. Do trang trại của gia đình nằm gần nhà, trong khu dân cư, chuồng hở nên mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng việc tái đàn không hiệu quả và ảnh hưởng đến môi trường. Được sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ Trạm Khuyến nông Tiên Lãng, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng và chính quyền địa phương đã giúp đỡ để anh di dời, phát triển trang trại ra khu quy hoạch của địa phương và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) theo quy trình VietGAHP. 

          Trang trại mới của gia đình được xây dựng trong khu quy hoạch chăn nuôi thủy sản của xã Kiến Thiết áp dụng theo đúng quy trình sản xuất của trang trại khép kín, rộng 1500 m2 được chia thành 2 trang trại nhỏ gồm một trại nuôi lợn nái ngoại rộng 500 m2 chuyên cung cấp con giống, còn một trại để nuôi lợn thịt, rộng 1000 m2; ngoài ra còn có khu nhà kho chứa thức ăn rộng 100 m2; một hầm Biogas thể tích 1.000 m3 để xử lý chất thải chăn nuôi. Trang trại áp dụng chặt chẽ các biện pháp chăn nuôi ATSH theo quy trình VietGAHP.

         Để thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi ATSH, gia đình anh Hùng đã chủ động cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng nuôi lợn nái ngoại theo tiêu chuẩn của trang trại khép kín cùng với hệ thống chuồng úm lợn con có tấm sưởi và hệ thống thoát khí thải nâng cao. Chuồng nuôi lợn thịt chia thành 2 dãy, mỗi dãy 8 ô đủ nuôi 25 – 32 con/ô, đảm bảo mật độ 1-1,2m2/con lợn thịt. Mỗi lứa nuôi từ 450 – 500 con lợn thịt. Đặc biệt quy trình khử trùng, sát khuẩn càng được chú trọng hơn khi Dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế tốt thì việc đầu tư hệ thống khử trùng bằng tia hồng ngoại kết hợp với phun khử trùng xung quanh 2 lần/tuần đã giúp trang trại của gia đình anh Hùng an toàn. Hơn nữa, việc chú ý khử trùng sát khuẩn cho toàn bộ các dụng cụ chăn nuôi, người chăm sóc hàng ngày, đến từng bao thức ăn đưa vào chuồng đã trở thành việc làm thường xuyên, giúp hạn chế dịch bệnh. Lợn trong trang trại được nhập xuất theo nguyên tắc “ cùng vào, cùng ra”. Vì vậy, việc quản lý, chăm sóc rất thuận lợi, việc vệ sinh, khử trùng được thực hiện đồng loạt, hiệu quả nên dịch bệnh không xảy ra.

         Cùng với suy nghĩ muốn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều người anh Hùng đã đến các trại cần tư vấn để tìm hiểu cụ thể tình hình, sau đó tư vấn các biện pháp ATSH theo quy trình VietGAHP nhưng không tổ chức thăm quan trực tiếp làm lây lan dịch bệnh. Không những thế muốn chăn nuôi tốt thì việc chủ động tự túc từ con giống, thức ăn đến xử lý chất thải bằng Biogas và mối liên kết giữa các trại với nhau là cần thiết. Để giúp chăn nuôi ổn định và sản phẩm tạo ra an toàn, phù hợp với sức khỏe cũng như thị hiếu của người tiêu dùng thì việc xây dựng thương hiệu trang trại chăn nuôi ATSH rất quan trọng. Từ khí áp dụng triệt để các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn, trang trại của gia đình anh Hùng đã tái đàn lợn thành công, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra, đã xuất chuồng được nhiều lứa lợn với giá bán cao đem về hiệu quả kinh tế lớn. Ngay cả trong thời điểm hiện tại, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng với tốc độ phi mã, mỗi kg thức ăn tăng lên từ 4000 – 5000 đồng, trong khi đó giá lợn hơi lại giảm mạnh, giữ ở mức 56.000 – 59.000 đồng/kg, nhiều trang trại không đứng vững được, có nguy cơ trống chuồng trở lại thì trang trại của anh Hùng vẫn cho lợi nhuận. Theo anh Hùng tính, với mức giá như trên, sau khi trừ chi phí và công lao động, mỗi con lợn trong chuồng vẫn cho lãi từ 400.000  - 650.000 đồng/con.

 

Đàn lợn thịt phát triển tốt, khỏe mạnh

           Ngoài ra, Kiến Thiết là địa phương có diện tích đất trồng trọt khá lớn, với diện tích đất nông nghiệp trên 300 ha bà con ngoài trồng thuốc lào, cấy lúa còn trồng hoa và rau màu nhiều nên cần lượng phân bón hữu cơ rất lớn, vì vậy, nguồn chất thải từ chăn nuôi lợn ở tình trạng cung không đủ cầu, nhiều khi bà con đặt trước nhiều ngày mới có được 1 tạ phân lợn để sử dụng cho hoa màu. Anh Hùng nói vui: “ bán phân chạy hơn bán lợn” để phản ánh về tình trạng này.  Nguồn phân bón từ chăn nuôi lợn được ủ, xử lý sau đó mới đem ra bón cho cây trồng, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cây. Mỗi lứa lợn anh Hùng thu thêm từ bán phân được 25 – 30 triệu đồng. Nguồn thu từ bán phân lợn cũng giúp gia đình anh ổn định hơn và có điều kiện tăng đàn cho thời gian sau này.

         Sau hơn 1 năm tái đàn lợn thành công, hiện nay, anh Lê Văn Hùng đã ổn định đàn lợn, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương ổn định từ 6 – 7 triệu đồng/tháng, xây dựng nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Anh Hùng với ngôi nhà mới xây

Ks. Vũ Chung Thùy – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 7232
  • Hôm qua: 4238
  • Tuần này: 38114
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 201488
  • Tháng trước: 293819
  • Lượt truy cập: 2879301
0225.3541.398 
messenger icon