Biện pháp phòng và trị một số bệnh tiêu hóa trên Dê

15:23:06 07/11/2023 Lượt xem 2615 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Dê thuộc loại súc vật nhai lại như Trâu, bò, cừu dễ nuôi, là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể xuất chuồng hoặc sinh sản đem lại nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, nuôi dê đã và đang là mô hình được phát triển tại Hải Phòng. Thực tế đã chứng minh, ngoài hai yếu tố con giống và dinh dưỡng, nơi nào hạn chế được dịch bệnh của gia súc thì nơi đó chăn nuôi đạt hiệu quả cao, có lãi nhiều. Chính vì vậy, bài viết này để cập tới một số bệnh thường gặp xảy ra trên hệ tiêu hóa của dê.

Mô hình nuôi dê tại Mỹ Đức, Hải Phòng

         I. Nguyên tắc chung khi phòng một số bệnh tiêu hóa và lưu ý khi sử dụng thuốc

          Thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh:
          - Vệ sinh sạch sẽ thức ăn, nước uống.
         - Chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Định kỳ tiêu độc chuồng trại, dùng Iodcid 1lít/200 nước phun bề mặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.

          - Ủ phân diệt mầm bệnh
          - Tháo khô nước các bãi chăn bị ngập nước, rắc vôi bột.
          - Đối với những vùng có lưu hành bệnh cần định kỳ hàng tháng sử dụng thuốc để phòng.
          - Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng với bệnh.

         - Tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm đúng giai đoạn, độ tuổi để phòng bệnh hiệu quả, cho ăn các chế phẩm giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng làm tăng khả năng chống chọi với bệnh tật.

          - Có thể mua sản phẩm tại các cửa hàng thuốc thú ý bán sẵn địa phương gần nhất và có sự tư vấn của người có kiến thức về thú y.

           - Dùng thuốc để tiêm vào bắp hoặc dưới da theo lượng chỉ dẫn của nhà sản xuất

            - Sau khi sử dụng cần bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời

           - Không được sử dụng thuốc vào mục đích khác vì các thuốc thú y hầu hết đều độc hại và không áp dụng với con người.

Chuồng trại nuôi dê đạt tiêu chuẩn

           II. Một số bệnh thường gặp trên dê

          1. Bệnh do vi khuẩn Ecoli

         - Nguyên nhân: Do vi khuẩn E.coli gây nên, nguồn thức ăn không được đảm bảo vệ sinh, loạn khuẩn đường ruột ở dê. Tỷ lệ mắc bệnh này trong đàn thường tăng cao khi nuôi dê trong điều kiện chật chội, vệ sinh kém ẩm thấp, thay đổi chế độ ăn và loại thức ăn đột ngột.

          - Lứa tuổi mắc: 1- 4 tuổi

         - Triệu chứng: dê con tiêu chảy phân tháo màu vàng xám, mất nước, chết rất nhanh. Khi bị nặng, cơ thể dê bị mất nước, mồm khô, phản xạ kém, yếu không đứng dậy được; đầu, tai, mũi bị lạnh; đuôi mắt nhợt nhạt, thân nhiệt hạ, bỏ ăn, bụng nhão, nhu động đường ruột tăng rất mạnh. Phân thay đổi từ sền sệt chuyển sang trắng có bọt xanh, vàng hôi thối.

         Trị bệnh: Sử dụng thuốc có thành phần chính là Enrofloxacin – một loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn, có hoạt phổ kháng khuẩn rộng với vi khuẩn Gram âm và Gram dương.

          Hoặc thuốc có thành phần chính là Zinc (Zn) ngăn chặn sự phát triển của một số vi khuẩn gây ra viêm nhiễm, giúp phục hồi biểu mô da, niêm mạc ruột và hỗ trợ điều trị tổn thương da ở các loài gia súc.

           2. Bệnh do vi khuẩn Salmonella

          Nguyên nhân: do vi khuẩn Salmonella, tỷ lệ dê mắc bệnh tăng cao do việc vận chuyển, thay đổi thức ăn đột ngột, đẻ non. Các nguy cơ làm dê dễ mắc bệnh thương hàn: chuồng trại vệ sinh kém, máng ăn uống thiết kế chưa tốt, dê con không được bú sữa đầu. Đường lây truyền phổ biến nhất là đường phân, miệng.

         Lưu ý: Vi khuẩn có thể gây bệnh cho con người nếu chúng ta tiêu thụ các loại thịt còn sống, sữa chưa được tiệt trùng.

          - Lứa tuổi: gặp ở mọi lứa tuổi

         - Triệu chứng: Ở dê con sơ sinh: Không có biểu hiện rõ ràng, dê con có thể chết ở thể cấp tính trong vòng 36 giờ.

         Viêm ruột ở dê con trước cai sữa (2-8 tuần): Mệt mỏi, chán ăn, sốt cao 41,7ºC. Tiêu chảy, phân có nhiều nước, màu vàng đến nâu xanh. Con vật trở nên kiệt quệ vì mất nước và điện giải nhanh, nằm nghiêng một bên.

         Nếu bị nặng dê con có thể chết từ khoảng 8 giờ khi bị tiêu chảy, nhưng hầu hết các trường hợp chết từ 1-2 ngày. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết cao.

        Viêm ruột ở dê trưởng thành: Xuất hiện lẻ tẻ và ít nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ mắc và chết cũng thấp hơn. Chán ăn, suy nhược, sốt. Tiêu chảy ra nước có màu vàng, xám, nâu xanh, có mùi hôi. Tiêu chảy khiến thú bị mất nước và điện giải và gây tử vong nếu tình trạng kéo dài 24 - 48 giờ.

         Bệnh có thể khỏi và chuyển sang thể mạn tính nhưng lại tái phát nhiều lần khiến bị suy nhược, có thể thiếu máu. Dê cừu cái có thể xảy thai.

         Trị bệnh: Sử dụng các loại kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn Gram âm như: Ceftiofur, Sulfonamide không phải là kháng sinh /Trimethoprim, Colistin, Enrofloxacin hoặc Florphenicol.

        Điều trị các triệu chứng đi kèm: hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, truyền dịch và điện giải (hạ sốt AlginC, giảm đau Ketofen, trợ sức butasal..)

          3. Bệnh cầu trùng

          Nguyên nhân: Bệnh do loài ký sinh trùng đơn bào (Eimeria) gây ra.

        Dê nhiễm bệnh do ăn phải noãn nang cầu trùng có trong cỏ tươi hay nước uống ao tù có chứa mầm bệnh. Bệnh thường phát vào mùa hè, những tháng nóng ẩm, ở những vùng đồng cỏ ẩm thấp, đặc biệt vào những năm mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm làm cho noãn nang dễ dàng phát triển đến giai đoạn cảm nhiễm.

         - Lứa tuổi: mọi lứa tuổi

        Triệu chứng: Dê kém ăn, bỏ ăn, phân nhão, tiêu chảy kéo dài. Trường hợp mắc bệnh nặng thì phân lỏng lẫn nhiều máu. Dê ỉa chảy kéo dài, xù lông và có trên 20% số con mắc bệnh chết.

         Trị bệnh: Có thể dùng thuốc có thành phần như sau để điều trị: Sulfaquinoxaline, Pyrimethamine; Toltrazuril.

         Dùng thuốc điện giải, vitamin để bổ sung điện giải, vitamin, nâng cao sức đề kháng: Thuốc điện giải, Han-Tophan, Bcomplex.... Dùng Vit K để cầm máu trong trường hợp tiêu chảy nhiều máu. Trường hợp dê bỏ ăn, mất nước nhiều nên dùng Glucoza 5% hoặc NaCl 0,9% tiêm truyền tĩnh mạch với liều 10 ml/1 kgTT/ngày.

        Trên đây cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trong quá trình chăn nuôi dê. Chúc bà con chăn nuôi thành công.

Ks. Trần Việt Linh- Trạm khuyến nông An Lão

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 363
  • Hôm qua: 4813
  • Tuần này: 363
  • Tuần trước: 30160
  • Tháng này: 302663
  • Tháng trước: 293819
  • Lượt truy cập: 2980476
0225.3541.398 
messenger icon