Những sâu bệnh thường gặp trên ổi giai đoạn nắng nóng

11:07:28 21/06/2023 Lượt xem 1779 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Hiện nay trên địa bàn Thị Trấn Vĩnh Bảo hội viên nông dân đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế gia đình, trồng chủ yếu các loại cây như: Cam, bưởi da xanh, vú sữa hoàng kim, ổi lê Đài Loan...Trong đó diện tích cây ổi của Thị Trấn khoảng 35 ha.

 

         Tới thời điểm hiện tại, cây ổi đang cho thu hoạch và đang ra lộc. Tuy nhiên thời tiết trong tuần qua diễn biến phức tạp, nắng to kèm mưa xen kẽ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh phát triển gây hại. Đặc biệt là bệnh thán thư, đốm do nấm và rệp sáp, bọ xít ruồi đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất cũng như chất lượng ổi.

 

          Một số lưu ý về bệnh thán thư, đốm... bệnh do nấm, bọ xít ruồi, rệp sáp gây hại, đối tượng sâu bệnh đang được các hộ nông dân quan tâm.

           Để giúp các hộ xã viên giữ vững năng suất, sản lượng thì các hộ nông dân cần làm tốt 1 số nội dung sau:

          + Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, vơ tỉa lá già, loại bỏ lá, quả sâu bị bệnh.

         + Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, để ngăn cản sự phát sinh của dịch hại. Hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp.

          + Dùng 1 số biện pháp thủ công, đặt bẫy bả để đặt hiệu quả cao trong công tác phòng trừ sâu bệnh.

          1. Đối với bệnh thán thư, đốm, đốm rong:

         Bệnh thán thư là bệnh do nấm gây ra, bệnh phát triển trên lá, hoa và quả non. Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ khoảng 25°C, chết ở 50°C trong 10 phút. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa.

           + Trên lá: xuất hiện các đốm màu nâu tím hoặc nâu ở giữa hoặc bìa lá.

 

           + Trên ngọn: ngọn cây bị xoắn lại chuyển sang màu nâu thẫm và lan dần xuống phía dưới.

          + Trên quả: Ban đầu là những đốm đen nhỏ bằng đầu kim, sau đó phát triển thành đốm tròn nâu thẫm, lõm vào thịt trái.

            * Biện pháp xử lý

            - Tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Thu dọn, tiêu hủy các tàn dư cây bệnh.

         - Khi bệnh phát sinh phun các thuốc: Daconil 75WP, Antracol 70WP, Ridomil 72WP nồng độ 0,1 - 0,2%, Score 250EC

            Lưu ý: phun phải đung kĩ thuật liều lượng và nồng độ thuốc.

           2. Bệnh do nấm Pestalotia sp

          Theo kết quả giám định ngày 16/5/2023 của Viện bảo vệ thực vật được lấy mẫu trên quả ổi tại thị trấn Vĩnh bảo. Hiện tượng vết đốm nâu và đen trên quả ổi do nấm Pestalotia sp gây ra.

 

          + Bệnh xuất hiện trên quả từ khi còn non đến khi được thu hoạch.

         Trên bề mặt quả lúc đầu là những đốm nâu và đen nhỏ sau loang rộng ra dần màu đen, vết đốm đen ăn lõm vào phần thịt quả làm cho phần thịt quả chai sượng và thối, vết bệnh khô.

          + Trên ngọn, lá non: những chồi non bị thối đen.

          * Biện pháp xử lý:

         - Đối với Nấm Pestalotia sp có thể sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Dipomate, Mexyl MZ 72WP, Zineb Bul, Thio-M, Dipomate 80WP, Kasuran, Mancozeb...

          - Phun thuốc khi lá non bắt đầu xuất hiện, đặc biệt những đợt lá ra vào đầu mùa mưa, phun liên tiếp 3 lần và mỗi lần cách nhau một tuần.

         Ngoài ra còn có sự gây hại của các loài chích hút, trong đó có Bọ xít muỗi, rệp sáp...gây hại trên lá và quả ổi.

         3. Bọ xít muỗi:

         * Cách gây hại và triệu chứng:

         + Bọ xít muỗi non và trưởng thành chích hút nhựa các bộ phận non của cây ổi như lá non, chồi non, cuống hoa và quả để hút chất dinh dưỡng làm các bộ phận này sau đó bị khô đi, không phát triển được.

        + Trên lá non, quả non xuất hiện nhiều đốm nâu đen, lúc đầu các vết chích tạo ra một vòng tròn mờ màu đồng, sau đó chuyển sang màu nâu sẫm và cuối cùng là một vòng màu đen.

         + Khi bị nhiễm nặng lá non, chồi non xoăn lại, khô héo, thui chồi non; quả non kém phát triển bị héo khô, quả to bị dị dạng dễ tạo điều kiện cho các loại nấm gây bệnh dễ dàng xâm nhập, gây hại qua vết chích, đặc biệt là nấm gây bệnh thán thư, nấm Pestalotia sp.

          *Biện pháp xử lý:

          - Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bớt cành nhánh tạo độ thông thoáng trong vườn.

         - Thăm vườn thường xuyên vào sáng sớm (6 - 7 giờ sáng) và chiều tối (4 - 5 giờ chiều) để phát hiện bọ xít muỗi, đặc biệt vào thời kỳ cây ra chồi non, lá non, ra hoa đậu quả.

         - Đối với Bọ xít muỗi có thể dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Permecide 50EC, hoặc Brrightin 4.0EC, nếu mật độ bọ xít cao nên kết hợp 1 trong 2 loại thuốc trên với Thiamax 25WG.

       - Thời điểm phun trừ khi cây đang ra lá non, khi trồi hoa mới nhú và sau khi đậu quả non, phun từ xung quanh vườn vào trong, phun ướt đều tán cây, mỗi đợt phun từ 1 đến 2 lần và cách nhau 7 đến 10 ngày.

          Lưu ý: Phun thuốc vào chiều mát hay sáng sớm vì đây là thời điểm bọ xít muỗi tập trung gây hại, ít di chuyển.

          4. Rệp sáp:

 

        - Rệp tập trung ở mặt dưới lá non, chồi non, chích hút nhựa làm cho lá biến vàng, chồi non xoắn lại và ngừng phát triển. Khi rệp tấn công mạnh sẽ xuất hiện lớp bồ hóng màu đen. Rệp có khả năng gây hại quanh năm và gây hại nặng nhất vào mùa nắng nóng, thời tiết hanh khô.

         * Biện pháp xử lý:

        - Không nên trồng ổi quá dày, thường xuyên cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá, cành già không có khả năng cho quả để vườn luôn thông thoáng.

        - Dùng máy bơm nước có áp suất cao xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp sẽ có tác dụng rửa trôi bớt rệp.

        - Bọc quả để đảm bảo chất lượng quả.

        - Kiểm tra vườn ổi thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là giai đoạn cây đang có lộc non, lá non, quả bằng một trong các loại thuốc như : Confidor 100 SL, Actara 25WG, Tasieu 1.9EC…. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao gói.

 

         Chú ý: Vì ổi là loại trái cây ăn tươi và trên cây có nhiều giai đoạn quả lớn, nhỏ hoặc đang ra hoa vì vậy cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, đốn tỉa cành, cây bị bệnh sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi có mật độ sâu, bệnh đến ngưỡng; sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; cần đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Ks. Nguyễn Thị Thùy Linh - Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2768
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271344
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839405
0225.3541.398 
messenger icon