Vai trò của hoạt động Khuyến nông trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số tại Hải Phòng

10:28:16 06/10/2023 Lượt xem 1233 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong thời kỳ hội nhập. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

          Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng giúp giảm chi phí nhân công lao động, giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất đai, nước, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, kiểm soát các mối nguy, an toàn dịch bệnh, dịch hại, đảm bảo sức khỏe cây, con vật nuôi…. Đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

          Theo Kế hoạch số 150-KH-UBND ngày 25/6/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về cơ cấu lại nền nông nghiệp Hải Phòng giai đoạn (2021- 2025), Hải Phòng tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, gắn với dịch vụ du lịch và xây dựng nông thôn mới….. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

           Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 0,93%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản là 55,90% - 0,20% - 43,90%. Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp gấp 1,6 - 1,8 lần so với năm 2019, ước đạt 120 - 130 triệu đồng/ha (giá so sánh năm 2010).

         “Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững”, được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được đầu tư tương xứng, để xây dựng Hải Phòng phát triển cân bằng giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh - xứng tầm với xu thế toàn cầu.

          Hiện nay, công nghệ cao đang được áp dụng triển khai trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gồm:

        + Đối với lĩnh vực trồng trọt: công nghệ trong nhà kính Israel là hoàn toàn tự động, thế hệ mới; công nghệ trong mô hình nhà màng polyetylen, nhà lưới công nghệ Việt Nam là bán tự động hoặc cơ giới hoá trong khâu bón phân, tưới nước; điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, quản lý chăm sóc, tưới nước tự động, nhỏ giọt, xử lý sâu bệnh dựa vào việc đo nhiệt độ, ẩm độ; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, màng che phủ đất, máy bay không người lái dùng phun thuốc bảo vệ thực vật...

 Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau ăn lá

        + Đối với lĩnh vực chăn nuôi: chuồng trại khép kín, điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi; máy ấp trứng tự động gắn với hệ thống cảm ứng, điều tiết độ ẩm, nhiệt độ môi trường ấp; ứng dụng công nghệ vắc xin vector phòng 05 bệnh lúc 01 ngày tuổi; tự động hóa trong các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, thu gom chất thải gắn với công nghệ thông tin, sử dụng camera giám sát…; nuôi giữ các giống thuần chất lượng cao (Landrace, Yorshire, Duroc, Pietran…)…

       + Đối với lĩnh vực thủy sản: ứng dụng thiết bị định vị vệ tinh GPS để xác định vị trí tàu và hỗ trợ tìm kiếm ngư trường; thiết bị nhận dạng tàu thuyền; công nghệ vi sinh.

        Để đạt được các mục tiêu trên, công tác Khuyến nông có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp của thành phố.

 Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản chăn nuôi lợn tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

         1.Vai trò của hoạt động Khuyến nông trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số tại Hải Phòng

         Trong những năm qua, đội ngũ Khuyến nông đã làm tốt vai trò trong các hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội môi trường, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp thành phố. Khuyến nông là cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp với hộ dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân, giúp người nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho nhân dân và vươn làm giàu.

          Thông qua các hoạt động Khuyến nông, nhiều công nghệ mới được chuyển giao và áp dụng rộng rãi vào sản xuất đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất chuyển dần từ hình thức quảng canh, nhỏ lẻ, phân tán, kém bền vững sang phương thức sản xuất bán thâm canh, hoặc thâm canh, tập trung, chuyên nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá an toàn, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành nông nghiệp Hải Phòng.

         Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng thì hoạt động Khuyến nông cần tập trung vào những nội dung như: lựa chọn những đối tượng cây con chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp đặc thù sản xuất của địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao ngày càng hoàn thiện hơn để các doanh nghiệp, nông dân hưởng được nhiều quyền lợi hơn; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ trong các mô hình, chương trình, dự án Khuyến nông. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao (đưa cán bộ đi học tập nước ngoài hoặc kết nối các đơn vị Hợp tác xã, Doanh nghiệp cùng các Viện, Trường… đào tạo lại cho cán bộ Khuyến nông, từ đó giúp cán bộ Khuyến nông đào tạo, chuyển giao lại cho nông dân). Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn tập huấn cho nông dân những kiến thức kỹ thuật ứng dụng công nghệ, góp phần vào việc nhân rộng kết quả chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân… Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao để làm chức năng dẫn đắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm công nghệ cao,…

          1.1.Hoạt động Chuyển giao công nghệ trong các mô hình, chương trình, dự án Khuyến nông

          Các mô hình, chương trình, dự án Khuyến nông đã góp phần hình thành phương thức tổ chức sản xuất mới, sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, phù hợp với định hướng phát triển trong các giai đoạn. Các mô hình được triển khai theo từng giai đoạn: công nghệ giống, giống tiến bộ kỹ thuật; mô hình công nghệ cao, chuyển đổi số, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều vùng sản xuất có gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Từng bước đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chuyển từ sản xuất thủ công, ứng dụng cơ giới hóa từng khâu sang ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng tự động hóa, công nghệ số vào sản xuất… Các mô hình trình diễn đã mang lại lợi ích trực tiếp cho những người tham gia, ngoài ra còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động thành phố góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân nông thôn. Một số mô hình Khuyến nông iêu biểu về dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số tại Hải Phòng :

           Mô hình ứng dụng công nghệ cao sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV trong sản xuất lúa và khoai tây.

          Mô hình Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lúa chất lượng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, khắc phục hiện tượng bỏ ruộng hoang, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn do giảm sử dụng thuốc BTVT, phân bón hóa học, do áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phát triển ổn định bền vững.

         Ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm năm 2021. Sản xuất trong nhà lưới, nhà kính chủ động về thời vụ, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết; giảm sâu bệnh hại. Năng suất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 30-40%, chất lượng ngọt hơn, sản phẩm sạch hơn do giảm sâu bệnh hạn chế thuốc BVTV. Giá trị sản xuất: tăng 2-3 lần so với sản xuất thông thường ngoài đồng ruộng

         Mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh trong sản xuất rau ăn lá sản xuất rau sạch “thông minh”. Ứng dụng hệ thống trồng rau thủy canh bao gồm Hệ thống nhà màng nhà lưới, Hệ thống lưới cắt nắng tự động, quạt đối lưu, giàn thuỷ canh (6x1.2x2m DxRxC), nhà điều hành hệ thống nước cấp hồi, máy bơm, bể chứa, giàn ươm cây thuỷ canh (1.22x2.44x0.7m DxRxC), bộ điều khiển đo lường, Hệ thống tưới phun sương làm mát. Mô hình sẽ cho năng suất cao hơn gấp 1,5 – 3 lần so với mô hình trồng rau truyền thống, gảm sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

           Mô hình hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ đã trang bị định vị vệ tinh GPS để xác định vị trí tàu và hỗ trợ tìm kiếm ngư trường; Mô hình ứng dụng thiết bị nhận dạng tàu thuyền giúp tiết kiệm từ 15-20% chi phí nhiên liệu chạy tàu (4-5 triệu đồng/chuyến biển)

          Mô hình ứng dụng công nghệ cao lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà màng trong sản xuất dưa vàng; ứng dụng công ngệ số: hệ thống điều chỉnh cảm biến nhiệt độ trong nhà lưới, nhà màng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích cấy lúa cho năng suất thấp sang xây dựng nhà lưới sản xuất dưa vàng; Ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phụ phẩm sau thu hoạch;

           Mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (ứng dụng công nghệ số) trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi. Mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa (IOT) trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi;

           Trung tâm Khuyến nông xây dựng rất nhiều các mô hình, phát triển các mô hình chăn nuôi thâm canh, theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống (các giống gà sinh sản cái Lương Phượng, đực Sasso, giống gà lông màu Ri lai, Lương Phượng, giống vịt SuperM14, giống ngan lai vịt (R71x SuperM14), lợn giống lợn ngoại, lợn lai Landrace, Yorkshire, (PiDu x (LY) DuRoc x (LY), F2 Y x (LY), cải tạo đàn bò nội theo hướng zebu hóa, chuyên thịt….) đồng thời lai tạo, cải tiến giống vật nuôi nâng cao năng suất, chất lượng cao, ứng dụng chế phẩm sinh học, quy trình VietGAHP…nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

           Mô hình chuồng trại khép kín có hệ thống làm mát tự động thông qua cảm biến, máng ăn, máng uống tự động, chia khẩu phần ăn theo phần mềm dành cho từng loại vật nuôi ứng với từng giai đoạn phát triển. Hệ thống điều hòa tiểu khí hậu chuồng nuôi, máy bơm khử trùng tự động, xi lanh tự động...

         Một số mô hình nuôi thủy sản có hệ thống quan trắc đo môi trường tự động, máy cho ăn điều chỉnh tự động có kết nối với điện thoại thông minh cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với nuôi thường…

          2.2. Hoạt động Khuyến nông về tư vấn, đào tạo tập huấn thông tin tuyên truyền

         Hệ thống Khuyến nông tích cực các hoạt động tư vấn, đào tạo tập huấn thông tin tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua các cuộc hội thảo, viết tin bài, phát tờ rơi, làm chuyên mục truyền hình, phát thanh, tập huấn tại hội trưởng để người nông dân tiếp cận công nghệ và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số tại Hải Phòng.

         Tích cực tư vấn hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững…

         Công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật được Trung tâm gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất. Tổ chức 1.350 lớp tập huấn phổ cập kiến thức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với hơn 40.500 lượt người tham dự. Tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng viết tin bài, tập huấn cho các Khuyến nông viên cơ sở. Phân công cán bộ tham dự các lớp đào tạo do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia...Tổ chức 1.500 lớp chuyên sâu cho nông dân ngư dân với 75.000 lượt người tham dự. Tổ chức 1.200 lớp Tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ cấp cơ sở, 1.500 lớp tập huấn nâng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, 60 lớp tập huấn TOT. Tổ chức gần 100 cuộc khảo sát học tập trong và ngoài nước, giữa các tỉnh bạn.

         Trung tâm Khuyến nông luôn đồng hành cùng nhà nông, định hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức tập quán, phương thức sản xuất theo hình thức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông mình, chuyển đổi số gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động Khuyến nông trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số tại Hải Phòng góp phần giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động và giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành nông nghiệp Hải Phòng.

Ths. Bùi Thị Nguyên - Phòng Chuyển giao KTNN

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 227
  • Hôm qua: 4813
  • Tuần này: 227
  • Tuần trước: 30160
  • Tháng này: 302527
  • Tháng trước: 293819
  • Lượt truy cập: 2980340
0225.3541.398 
messenger icon